Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt bằng thức ăn công nghiệp

Bên cạnh vấn đề chất lượng giống tốt, quản lý môi trường nuôi tốt thì thức ăn là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả của một vụ nuôi. Có thể phân loại thức ăn dùng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thành các nhóm như: (1) Thức ăn tự nhiên: Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi) trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật); (2) thức ăn nhân tạo: Còn được gọi là thức ăn khô hay thức ăn viên hay thức ăn công nghiệp. Có hai loại: Thức ăn viên chìm và thức ăn viên nổi, sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá; (3) thức ăn tươi sống: Là các loại động vật tươi làm thức ăn như: Tôm, cá tạp, ốc, cua…; (4) thức ăn tự chế: Thức ăn do người nuôi tự phối chế chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình chế biến đơn giản, thức ăn dạng ẩm. Thức ăn và dinh dưỡng cho động vật thủy sản thường chiếm 35 – 65% tổng chi phí một vụ nuôi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho động vật thủy sản thì việc lựa chọn và sử dụng thức ăn là một vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu và thiết thực khi mà trữ lượng cá tạp đánh bắt từ tự nhiên đã giảm sút đáng kể, các quy định của Nhà nước về kích cỡ mắt lưới về ngành nghề khai thác ngày càng chặt chẽ để bảo vệ hệ sinh thái biển, bên cạnh đó việc sử dụng thức ăn tươi (cá tạp) còn phụ thuộc mùa vụ đánh bắt, chất lượng không ổn định, không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giá tăng cao đặc biệt là mùa biển động. Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn tươi cũng để lại nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh bệnh dịch làm chết thủy sản nuôi. Hãy cùng xem video dưới đây để hiểu thêm về lĩnh vực này.