Logistics VIỆT NAM và Bài toán năng lực cạnh tranh, KINH TẾ VIỆT NAM

Lĩnh vực dịch vụ logistics ở Việt Nam đã bước vào một thời kỳ mới, có nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng, bài toán năng lực cạnh tranh thực sự của các doanh nghiệp logistics vẫn còn quá nhiều ẩn số. Bộn bề khó khăn Về cơ cấu thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 80% trong tổng số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này có số vốn rất nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp chỉ đăng ký 3-5 trăm triệu đồng, tương đương 18.750 USD - 31.250 USD. Trong khi đó để ký vận đơn vận tải đa phương thức theo quy định tại Nghị định 125/2003/NĐ-CP ngày 29/03/2003 thì doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp hay bảo lãnh của ngân hàng 80.000 SDR, tương đương 120.000 USD, đồng thời khi phát hành vận đơn này vào Hoa Kỳ thì phải ký quỹ tiếp 150.000 USD theo Luật Vận tải biển Hoa Kỳ 1998. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa từng bộ phận, đã hình thành các công ty cổ phẩn với vốn điều lệ 5 tỷ đồng (312.500 USD), vốn quy mô này không thể đáp ứng được yêu cầu khi gia nhập thị trường logistics thế giới. Quy mô doanh nghiệp còn thể hiện ở số nhân viên của từng công ty. Nhiều doanh nghiệp chỉ có 3-5 nhân viên, kể cả người phụ trách, chỉ đáp ứng được một công việc đơn giản của khách hàng. Khi khách hàng hết việc, doanh nghiệp hết việc làm và đóng cửa. Hầu hết các doanh nghiệp hiện chưa có văn phòng đại diện tại nước ngoài. Các thông tin, công việc phải giải quyết ở nước ngoài đều do hệ thống đại lý thực hiện và cung cấp, trong khi đó xu thế cung cấp dịch vụ logistics hiện nay là logistics toàn cầu. Về đào tạo nguồn nhân lực, tại Việt Nam hiện nay chưa có một trường lớp nào chuyên đào tạo về logistics. Kiến thức mà cán bộ nhân viên tại các doanh nghiệp hiện có được là do học từ nước ngoài, đọc từ sách vở hoặc một phần kiến thức tại các trường đại học, một số chương trình đào tạo ngắn hạn do Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UN-ESCAP) tài trợ. Trong các nước ASEAN chỉ còn lại 4 nước chưa có trường chuyên ngành về logistics, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Nhiều sinh viên Việt Nam đang được đào tạo tại Singapore hay một số nước khác theo chương trình đào tạo chuyên ngành của họ. Nhiều doanh nhân kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam đã phải gửi con em đi đào tạo tại Australia, Hoa Kỳ, Anh và những nước có ngành công nghiệp logistics phát triển cao. Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh logistics rời rạc, doanh nghiệp nào chỉ biết lợi ích của doanh nghiệp đó, thiếu sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Có nhiều khi, nhiều dịch vụ còn cạnh tranh với nhau một cách không lành mạnh. Những nguyên nhân này đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài ngay trên thị trường trong nước. Tính nghiệp đoàn doanh nghiệp còn thể hiện điều kiện giao hàng trong các hợp đồng mua bán. Thay vì mua FOB và bán CIF, hầu hết hợp đồng mua bán ngày nay thường được mua CIF và bán FOB, đặc biệt các dự án lớn tại Việt Nam lại được ký kết theo điều kiện giao hàng là DDU. Chính điều này cũng làm giảm một phần kim ngạch xuất khẩu, vì trong kim ngạch xuất khẩu không có vận tải quốc tế.