Thời đại của Marketing lên ngôi: Liệu bạn đã nắm rõ vai trò của Marketing?

Marketing đã và đang là một lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong bối cảnh kinh tế mở cửa, cạnh tranh ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp hiện nay. Marketing không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp mà đồng thời ảnh hưởng lớn với người tiêu dùng. Không chỉ thế, Marketing còn đóng góp vai trò không thể thiếu với xã hội. Vậy những vai trò của Marketing là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Vai trò của Marketing đối với các doanh nghiệp hiện đại

Thực chất ngoài các hoạt động sản xuất sản phẩm, toàn bộ các hoạt động kinh doanh trên trên thị trường của doanh nghiệp đều chính là hoạt động Marketing từ hình thành ý tưởng sản xuất hàng hóa đến nghiên cứu tạo nên sản phẩm, bao bì, thương hiệu và các hoạt động đến khi sản phẩm được bán trên thị trường. Các hoạt động quảng cáo, xúc tiến bán, định giá và phân phối hàng hóa là những chức năng cơ bản của Marketing. Nhờ có Marketing mà doanh nghiệp mới có được khách hàng từ đó bán các sản phẩm để có doanh thu, lợi nhuận.

 

Vai trò của Marketing đối với các doanh nghiệp hiện đại. (Ảnh: SCORE)

 

Marketing giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài và vững chắc trên thị trường do nó cung cấp khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường bên ngoài thông qua quá trình nghiên cứu thị trường và thích nghi với nó. Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc họ có cung cấp được cho thị trường những sản phẩm mà thị trường cần, phù hợp với mong muốn và khả năng mua của người tiêu dùng hay không.

Marketing mang vai trò tạo ra sự kết nối các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp với thị trường trong tất cả các giai đoạn như tìm kiếm thông tin thị trường, truyền thông, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ khách hàng,…

Vai trò của Marketing đối với người tiêu dùng

Hoạt động của Marketing không chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Một tổ chức kinh doanh hay một tổ chức xã hội không thể tồn tại lâu dài nếu chỉ mang lại lợi ích cho họ mà không mang đến lợi ích cho người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, Marketing cũng đóng vai trò quan trọng giúp người tiêu dùng có thể phản ánh mong muốn, nhu cầu của họ đến với các doanh nghiệp, tổ chức – nơi sẽ cung cấp sản phẩm để giải quyết nhu cầu đó.

Lợi ích về mặt kinh tế của Marketing dành cho các khách hàng là giúp họ cảm nhận được giá trị kinh tế cao hơn, khách hàng cảm nhận được nhiều giá trị hơn so với chi phí mà họ bỏ ra để mua hàng hóa, sản phẩm. Một sản phẩm thỏa mãn người mua là sản phẩm cung cấp nhiều lợi ích hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Vai trò của Marketing đối với người tiêu dùng

 

Marketing còn giúp sáng tạo ra nhiều chủng loại hàng hóa thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của từng khách hàng hay một nhóm khách hàng cụ thể. Marketing nghiên cứu, xác định nhu cầu của người tiêu dùng về đặc tính cụ thế của sản phẩm để người lập kế hoạch sản xuất thực hiện.

Những người làm Marketing còn tạo ra tính hữu ích về thông tin tới người tiêu dùng qua việc cung cấp thông tin cho khách hàng qua các thông điệp quảng cáo, thông điệp bán hàng.. Người mua không thể  mua được sản phẩm nếu họ không biết mua ở đâu, giá cả… Phần lớn các thông tin tới người tiêu dùng đều là nhờ các hoạt động tạo ra bởi Marketing.

Vai trò của Marketing đối với xã hội

Vai trò của Marketing đối với xã hội

 

Trên quan điểm xã hội, Marketing được xem như là toàn bộ các hoạt động Marketing trong một nền kinh tế hay là một hệ thống Marketing trong xã hội. Vai trò của Marketing trong xã hội có thể được mô tả như là sự cung cấp một mức sống với xã hội. Khi chúng ta xem xét toàn bộ hoạt động Marketing của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các hoạt động vận tải và phân phối đưa hàng hóa tới người tiêu dùng có thể ảnh hưởng tới phúc lợi xã hội. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động của khâu bán buôn, bán lẻ, vận tải, các khía cạnh phân phối khác là nguyên tắc cơ bản để nâng cao mữa sống của xã hội. Để có được phúc lợi xã hội tốt, một đất nước phải có phải buôn bán, trao đổi với các nền kinh tế khác.

Không chỉ các nhà kinh doanh và quản trị doanh nghiệp nhận thức và vận dụng đúng đắn Marketing trong quản lý Nhà nước để tạo ra những điều kiện thuận lợi, môi trường pháp lý và những áp lực nhằm hướng các doanh nghiệp theo quan điểm Marketing thực sự. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong những ngành độc quyền như điện, nước,… để đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng.

Xã hội ngày càng phát triển thì Marketing lại càng đóng vai trò quan trọng. Marketing là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp, thúc đẩy sự cạnh tranh và kinh tế xã hội phát triển. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển các doanh nghiệp phải định hướng theo thị trường một cách năng động, linh hoạt. Khi khách hàng trở thành người phán quyết cuối cùng đối với sự sống còn của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của khách hàng. Lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ có được khi làm hài lòng, thoả mãn nhu cầu khách hàng và khi đó Marketing trở thành yếu tố then chốt để đi đến thành công của doanh nghiệp.